Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh: Bước đi tất yếu tới tương lai

  • 12/22/2014 9:39:05 PM
  • Cập nhật bởi : Administrator
  • In
Không ít địa phương đã phải trả giá đắt về môi trường tự nhiên và môi trường sống cho phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Trước tình hình đó, tại hội thảo quốc gia về "Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh để phát triển kinh tế địa phương" vừa được Hiệp hội Đô thị Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Đô thị Canada tổ chức tại Lào Cai, các chuyên gia nước ngoài đã khuyến cáo: Muốn phát triển bền vững, cần phải thích nghi với hệ sinh thái hơn là bắt hệ sinh thái thích ứng với chúng ta. Các đô thị cần phải lựa chọn cho mình một mô hình xanh phù hợp.  

Cái giá của phát triển đô thị


(ảnh: laocai.gov.vn) 

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam thời gian qua có thể nhận thấy rõ nét những nỗ lực và đóng góp của các đô thị trên toàn quốc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đô thị hóa đã phát triển mạnh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa trên diện rộng và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Các đô thị Việt Nam đang được mở rộng và nâng tầm cao mới với nhiều công trình kiến trúc khang trang, bề thế. Các hệ thống dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí đang ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt từ 12 đến 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước. Nguồn thu đô thị, nhất là của các thành phố lớn chiếm tỷ lệ 70-75% trong cơ cấu GDP cả nước. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì quá trình phát triển, mở rộng đô thị cũng đã phải trả những cái giá rất đắt. Những cánh rừng tự nhiên biến mất. Những vùng đất canh tác "bờ xôi, ruộng mật" bị san lấp, nhường chỗ cho các dự án đô thị, khu công nghiệp, sân gôn… Tình trạng xả nước thải trực tiếp ra sông, hồ, kênh, rạch gây ô nhiễm nặng. Một số sông như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhuệ ở Hà Nội từng được gọi là những con sông "chết". Do đô thị hóa, công nghiệp hóa nên ở các đô thị lớn, mực nước ngầm bị suy giảm, một số độc tố vượt ngưỡng cho phép. Các khu đô thị mới được phát triển mạnh ở khu vực ven đô thường là các dự án nhỏ lẻ, không đồng bộ, hầu như chỉ xây nhà ở để bán, xa nơi làm việc, trường học, bệnh viện, chợ nên cư dân vẫn đổ vào trung tâm cũ theo các trục giao thông hướng tâm. Thống kê cho thấy, vài năm gần đây, mỗi năm tỷ lệ đô thị tăng trung bình khoảng 1,2%, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều đó có nghĩa là dân số đô thị mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người, dẫn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, dịch vụ xã hội ngày càng trở nên quá tải. 


(nguồn: Ashui.com) 

Lựa chọn đô thị tăng trưởng xanh là tất yếu 

Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 đã xác định đô thị là lĩnh vực được ưu tiên cao, trong đó xác định các nhiệm vụ cụ thể cần được thực hiện đối với khu vực đô thị như xây dựng các khung chính sách đô thị hóa xanh, rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể các đô thị; giảm những bất lợi về ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính cũng như việc tiêu thụ tài nguyên nước, đất đai nhằm phục vụ cho các hoạt động đô thị. Tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn của các đô thị mà là một nhiệm vụ trọng tâm cần phải đạt được. 

Để phát triển kinh tế mà vẫn bảo đảm xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, bền vững, ông Brian Proskurniak - Giám đốc Cơ quan ngoại giao, thương mại và phát triển Canada khuyến cáo, chính quyền các địa phương cần phải lắng nghe các doanh nghiệp, từ đó đưa ra được các chương trình phát triển kinh tế phù hợp nhằm vừa tăng trưởng kinh tế, vừa giảm chi phí cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường sau này. Bên cạnh đó cần có sự tham vấn người dân và các tổ chức xã hội. Sự tham gia nhiều hơn của người dân sẽ giúp chính quyền thành phố đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp với quyền lợi của người dân và sự bền vững của đô thị trong tương lai. 

Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), số lượng đô thị của Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ 629 vào năm 1999 lên tới 772 vào năm 2014. Dự kiến, số lượng đô thị tiếp tục phát triển đến con số 870 vào năm 2015 và 960 vào năm 2020. 

Chuyên gia Kapil Chaudhery đến từ Ấn Độ cho rằng, chính quyền các đô thị của Việt Nam không nên sao chép mô hình đã thành công từ nơi khác để áp dụng vào địa phương mình mà chỉ có thể nghiên cứu kỹ lưỡng rồi áp dụng theo phương pháp lồng ghép. Cần phải phát huy nguồn lực đặc trưng của mỗi thành phố nhằm tăng trưởng bền vững và đa dạng, hướng tới phát triển quốc gia dài hạn. Chúng ta cần phải thích ứng với hệ sinh thái hơn là bắt hệ sinh thái thích ứng với chúng ta. 

Tuấn Lương (Hà Nội Mới) 

  • http://tuoitre.vn/                                                                                                                                    http://www.nhandan.com.vn/