Thảm kịch của biến đổi khí hậu

  • 12/22/2014 6:35:44 PM
  • Cập nhật bởi : Administrator
  • In
Biến đổi khí hậu kèm theo hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến sông băng tan chảy, lũ lụt càn quét khắp nơi, gây ô nhiễm bầu không khí và nguồn nước ở nhiều khu vực trên thế giới.

Băng tan chảy là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của con người khi nhắc đến hiện tượng ấm lên toàn cầu. Các sông băng trên thế giới đang ngày càng khuyết dần dưới tác động của nền nhiệt tăng cao. Trong ảnh là hiện tượng nứt vỡ trên sông băng Perito Moreno ở Argentina.

Băng tan còn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó gấu trắng Bắc Cực là ví dụ điển hình. Khu vực săn mồi của gấu trắng là những vùng đất lạnh và đóng băng, nhưng khi nơi này bị ảnh hưởng bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu, chúng buộc phải trở thành những kẻ tấn công và ăn thịt những đứa con của chúng.

Theo các chuyên gia, hiện chưa thể xác định mối liên hệ trực tiếp một cách chính xác giữa biến đổi khí hậu và cháy rừng. Tuy nhiên, họ tin rằng sự gia tăng các vụ cháy rừng ở miền tây nước Mỹ một phần do nhiệt độ ấm dần. Giới chuyên gia dự đoán nếu nhiệt độ tăng, các vụ cháy rừng, như trường hợp ở California năm 2012, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.

Mực nước biển dâng cao và sự xuất hiện của các cơn bão kéo theo nguy cơ lũ lụt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mưa lớn gây lũ lụt quét qua bang Colorado của Mỹ năm 2013 từng nhấn chìm nhiều khu vực dưới biển nước.

Một bé trai đang ngủ trên chiếc ghế sofa trôi nổi giữa đường phố ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, trong đợt ngập lụt năm 2010.

Mưa lũ từng càn quét và gây thiệt hại nặng nề ở nhiều khu vực gần sông Amazon của Brazil năm 2012, trong khi hạn hán lại tàn phá miền đông bắc nước này. Người phụ nữ trong ảnh đang lấy nước từ một hồ nước gần khô cạn ở bang Bahia.

Nhiệt độ tăng cao được dự báo là sẽ ảnh hưởng lớn đến các nguồn cung cấp nước trên thế giới. Con cua trong ảnh đã chết khô ở một hồ nước cạn kiệt gần thủ đô Soeul, Hàn Quốc, trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2012.

Hàng nghìn con cá chết trôi nổi trên mặt hồ Nageen, thành phố Srinagar, Ấn Độ. Thời tiết nóng khiến lượng oxy trong nước giảm thấp hơn so với điều kiện bình thường là nguyên nhân khiến cá chết. Nhiệt độ tăng cao cũng là mối đe dọa đối với sinh vật thủy sinh.

Nước trong nhiều hồ tại Trung Quốc chuyển sang màu xanh lục vì sự bùng phát của tảo, sinh ra nhiều độc tố nguy hiểm cho các sinh vật khác dưới nước. Màu sắc loang lổ ở hồ Sào (ảnh), thuộc thành phố Sào Hồ, tỉnh An Huy, hình thành do sự xuất hiện của tảo. Chất lượng nước là một trong những vấn đề môi trường đáng báo động ở Trung Quốc, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Bất chấp hàng loạt tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục thải carbon và các khí gây hiệu ứng nhà kính khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí và sức khỏe con người. Nhà máy điện Belchatow của Ba Lan (ảnh) là nhà máy điện sử dụng than đốt, gây ô nhiễm không khí với 37 triệu tấn khí CO2 chỉ trong năm 2013.

 

Rừng là nơi dự trữ carbon hay các bể chứa carbon của Trái Đất. Tuy nhiên, hoạt động đốt rừng đã "giải phóng" lượng carbon được dự trữ vào không khí. Đốt rừng hay tàn phá rừng cũng làm tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Lượng khí methane thải ra từ hoạt động chăn nuôi gia súc chiếm một phần lớn trong tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bò là nguồn phát thải khí methane lớn nhất tại Mỹ trong năm 2012.

 

 

  • http://tuoitre.vn/                                                                                                                                    http://www.nhandan.com.vn/