Gần như đang trở thành một xu hướng phát triển tại Việt Nam, tính đến thời điểm này, cả nước đã có 15 Trung tâm hành chính tập trung (TTHCTT) cấp tỉnh đã đưa vào sử dụng, đang xây dựng và đã quyết định đầu tư. Vì vậy, ngày 05/12 vừa qua tại Đà Nẵng, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Mô hình TTHCTT cấp tỉnh”. Tại hội thảo này, các chuyên gia đã có những ý kiến xác đáng về vấn đề này.
Tòa nhà Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương.
Xu hướng mới
Hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương chủ yếu phân tán. Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương sắp xếp, nâng cấp, cải tạo các cơ sở vật chất của cơ quan hành chính theo dạng tán, đồng thời tăng cường công tác quản lý và hiện đại hóa công sở của địa phương theo hướng tập trung, nhiều TTHCTT của địa phương được xây dựng. Các nhà quản lý thuộc tỉnh, thành có dự án xây dựng trung tâm hành chính tập trung đều cho rằng, việc xây dựng TTHCTT mới là hết sức cần thiết, hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi cho người dân cũng như công tác quản lý.
Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều tranh luận về việc nên hay không nên xây dựng các TTHCTT. TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng, các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM có nên tập trung thành một công trình siêu lớn không? Các đô thị loại I, II không bức xúc về đất đai, về không gian có nên tập trung thành một khu vực như hiện nay mà các đô thị đang đua nhau thực hiện? Theo bà Thuận, những vấn đề này phải có định hướng rõ ràng trong thời gian tới, tránh việc xây dựng TTHCTT tràn lan như hiện nay, lãng phí đất đai, vật chất của nhân dân.
Giới KTS nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Theo KTS Nguyễn Văn Tất thì, vấn đề chạy đua xây dựng TTHCTT cấp tỉnh, thành đã chính thức trở thành một phong trào trong cả nước. Đã đến lúc Quốc hội phải có tiếng nói chính thức, kịp thời về cuộc chạy đua này về sự cần thiết, quy mô chuẩn về triết lý kiến trúc của loại cơ quan công quyền này cũng như về những giới hạn cần đặt ra. Giới KTS, với vai trò trực tiếp trong việc xây dựng các TTHCTT, chắc chắn cũng phải có trách nhiệm góp tiếng nói bằng quan điểm chính thống về những giá trị kiến trúc quy hoạch TTHCTT.
Theo số liệu khảo sát của Hội KTS Việt Nam, hiện nay có 15 TTHCTT đã đưa vào sử dụng, đang triển khai. Các dự án xây dựng TTHCTT đều có mức dự toán trên 1.000 tỷ đồng, cao nhất là gần 5.000 tỷ đồng (TTHC tỉnh Khánh Hòa). Nhưng thực tế khi quyết toán mức đầu tư đều vượt ngưỡng dự toán rất nhiều. Gánh nặng ngân sách xây dựng cũng tăng dần lên vai người đóng thuế. Trong khi đó cuộc chạy đua xây dựng TTHCTT trong cả nước đang sôi theo từng ngày với quy mô đầu tư đang to dần, tăng dần.
Nhiều bất cập
Việc vận hành tập trung một tòa nhà lớn như TTHCTT là một lợi thế. Những tòa nhà lớn bao giờ cũng phải có bộ máy quản trị, bảo trì, bảo dưỡng điều phối lớn và có hệ thống. Sự chuyên nghiệp trong vận hành nếu không độ phức tạp lớn của tòa nhà sẽ gây lãng phí. Theo PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, một số TTHCTT khi đưa vào sử dụng đã gặp nhiều bất cập trong khâu quản lý, khai thác sử dụng. Đặc biệt là công tác chi phí vận hành công trình quá tốn kém. Vấn đề tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng có hiệu quả sẽ liên quan đến giải pháp kiến trúc thông minh.
Đối với vấn đề này, ThS.KTS Tô Ngọc Liễn - Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch xây dựng Lào Cai cho rằng, trong quá trình vận hành vẫn còn nhiều bất cập. Đó là khi lập dự án phải tính toán kỹ đến nhu cầu sử dụng trước mắt cũng như lâu dài, tránh tình trạng không lường hết các vấn đề phát sinh dẫn đến diện tích làm việc, dịch vụ sử dụng không đáp ứng được nhu cầu sẽ phá vỡ quy hoạch ban đầu.
Bài học kinh nghiệm trong quá trình vận hành TTHC Lào Cai đó là trong thiết kế lập dự án chưa tính toán đến quy mô phát triển của các đơn vị sự nghiệp, quy mô sử dụng dịch vụ, bãi đỗ xe. Chính vì thế sau 3 năm sử dụng, TTHC Lào Cai phải bổ sung thêm 7 hợp khối và các công trình dịch vụ, bãi đỗ xe để sắp xếp cho các đơn vị sự nghiệp và các sở ban ngành của tỉnh. Đồng thời phải lập thêm một đơn vị sự nghiệp để duy trì hoạt động của khu hành chính như vệ sinh, bảo vệ, quản lý vận hành các công trình dịch vụ công cộng…
TTHCTT Đà Nẵng là tòa nhà hành chính sinh sau đẻ muộn hơn so với các TTHCTT khác trong cả nước, được đưa vào sử dụng vào tháng 8/2014. Tuy nhiên khi đưa vào sử dụng cũng đã lộ ra nhiều bất cập dù được mệnh danh là tòa nhà thông minh. Sự quan ngại về những sự cố khi xảy ra tại tòa nhà với hơn 1.600 người làm việc tại đây. Một số cán bộ, công chức phản ánh họ cảm thấy thiếu khí tươi khi vào làm việc tại tòa nhà. UBND TP Đà Nẵng đã giao cho Sở KH&CN phối hợp với BQL tòa nhà thuê một đơn vị độc lập tiến hành kiểm tra, đo đạc tình hình cấp khí tươi cho khối tháp của tòa nhà này. Trong đó chi phí vận hành tòa nhà này không rẻ chút nào.