Phong cách Art Nouveau trong kiến trúc Hà Nội đầu thế kỷ XX

  • 12/22/2014 6:17:42 PM
  • Cập nhật bởi : Administrator
  • In
Art Nouveau là một triết lý và phong cách trong nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật ứng dụng, kiến trúc và đặc biệt là nghệ thuật trang trí.

Phong cách này có nguồn gốc từ châu Âu và đặc biệt thịnh hành trong giai đoạn 1890-1915. Phong cách Art Nouveau ra đời như một phản ứng chống lại phong cách nghệ thuật Kinh viện ở thế kỷ XIX.

Các tác phẩm thuộc phong cách Art Nouveau được lấy cảm hứng từ hình thái và cấu trúc trong thiên nhiên, không chỉ là những loại cây cỏ, hoa lá mà còn là những đường cong uyển chuyển, mềm mại trong tự nhiên. Mặc dù chỉ thịnh hành trong một giai đoạn tương đối ngắn, nhưng phong cách Art Nouveau đã phát triển hết sức mạnh mẽ ở khắp châu Âu và lan rộng trên bình diện toàn cầu. Sự ra đời của phong cách Art Nouveau đã thổi một làn gió mới vào trong triết lý nghệ thuật, dần giải phóng con người ra khỏi những ý niệm “giáo điều” của chủ nghĩa Kinh viện, đưa con người và các tác phẩm nghệ thuật gần gũi với thiên nhiên hơn. 

Cũng trong thời gian này, với mục tiêu biến Hà Nội thành thủ đô Đông Dương, người Pháp đã đẩy mạnh việc mở rộng không gian đô thị Hà Nội với hình thức quy hoạch và kiến trúc theo kiểu Phương Tây. Nhiều kiến trúc sư Pháp sang đây làm công tác thiết kế công trình như: A. Bussy, C. Delpech, C-G. Lichtenfelder, F-C. Lagisquet, H. Vildieu, J. Bolssard, V. Halay… Phần lớn các kiến trúc sư này đều đã là sinh viên của École des Beaux-Arts de Paris, do vậy không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các công trình kiến trúc công cộng lớn và nhiều biệt thự được xây dựng ở Hà Nội trong khoảng 20 năm đầu thế kỷ XX đều theo phong cách Tân cổ điển. Tuy nhiên do ảnh hưởng của sự phát triển nghệ thuật Art Nouveau ở chính quốc, nhiều kiến trúc sư trong số đó đã không ngần ngại đưa các yếu tố của phong cách nghệ thuật được coi là hiện đại lúc bấy giờ vào trong công trình mà họ thiết kế. 

Quá trình hình thành và phát triển các công trình kiến trúc có yếu tố Art Nouveau ở Hà Nội

Công trình kiến trúc đầu tiên ở Hà Nội có các bộ phận và chi tiết trang trí theo phong cách Art Nouveau chính là trụ sở báo l’Avenir du Tonkin (Tòa soạn báo Hà Nội mới ngày nay) xây dựng năm 1893 bên hồ Gươm với mái che lối vào chính bằng kim loại- kính theo kiểu mái Guimard cùng nhiều họa tiết trang trí hình hoa lá (hình 1). 




Hình 1: Tòa soạn báo Hà Nội mới (trước kia là trụ sở báo l’Avenir du Tonkin)

Tiếp đến là một công trình văn hóa lớn tọa lạc ở một vị trí quan trọng gần hồ Gươm là Nhà hát thành phố (Nhà hát lớn ngày nay) xây dựng năm 1911cũng có mái che lối vào phụ kiểu Art Nouveau mà trong bản thiết kế ban đầu của V. Harlay năm 1899 chi tiết này chưa xuất hiện, bộ phận này chỉ được đưa vào ở bản vẽ thiết kế của F-C. Lagisquet năm 1907 (hình 2). 




Hình 2: Bản vẽ mặt chính Nhà hát thành phố do F-C. Lagisquet thực hiện năm 1907

Công trình có nhiều bộ phận và chi tiết trang trí Art Nouveau bậc nhất ở Hà Nội được xây dựng trong 20 năm đầu thế kỷ XX là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Nhà khách Chính phủ ngày nay) xây dựng năm 1917 do A. Bussy thiết kế. Trong bản vẽ thiết kế ban đầu công trình hoàn toàn theo phong cách Tân cổ điển, tuy nhiên sau khi hoàn thành thì ta thấy ở đây khá nhiều bộ phận và chi tiết trang trí Art Nouveau như mái che lối các lối vào phía trước, phía sau, cầu thang và nhiều họa tiết trang trí trong nội thất (hình 3). 


Hình 3: Ảnh chụp Dinh Thống sứ Bắc Kỳ khoảng những năm 1920

Ngoài ra trong thời kỳ này còn có một số biệt thự có các bộ phận và chi tiết trang trí Art Nouveau được xây dựng ở khu vực gần hồ Gươm, nhưng có khoảng cách xa hơn so với các công trình công cộng nêu trên. 

Trong những năm 1930-1940, phong cách Art Deco và phong cách Đông Dương chiếm ưu thế trong các công trình kiến trúc xây dựng ở Hà Nội, tuy nhiên các bộ phận và chi tiết trang trí Art Nouveau vẫn được dùng rải rác ở các công trình thời kỳ này. Điển hình là trụ sở Ngân hàng Pháp-Hoa (Trụ sở Bộ Công thương ngày nay) xây dựng khoảng đầu những năm 1930 trên phố Paul Bert là tuyến phố nối từ hồ Gươm tới quảng trường Nhà hát thành phố. Công trình mang phong cách Art Deco này lại có mảng trang trí hình hoa lá kiểu Art Nouveau rất lớn phía trên mặt chính, cửa vào chính cũng được trang trí theo kiểu Art Nouveau (hình 4). Ngoài ra, các họa tiết trang trí Art Nouveau còn thấy ở một số công trình công cộng và biệt thự thời kỳ này. 



Hình 4: Trụ sở Bộ Công thương (trước kia là Ngân hàng Pháp-Hoa)

Như vậy chúng ta có thể thấy các bộ phận và chi tiết trang trí Art Nouveau được sử dụng ở khá nhiều công trình xây dựng ở Hà Nội trong khoảng 30 năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Các công trình có sử dụng các bộ phận và chi tiết trang trí Art Nouveau khá đa dạng về mặt chức năng và quy mô, từ những công trình hành chính, văn hóa, thương mại có quy mô lớn và trung bình tới các biệt thự 2,3 tầng. Nghệ thuật Art Nouveau được sử dụng chủ yếu ở những công trình mang phong cách kiến trúc Tân cổ điển, tuy nhiên cũng có một số nhỏ các công trình mang phong cách Art Deco, ngoài cũng có công trình hoàn toàn theo phong cách kiến trúc Art Nouveau. 

Các hình thức Art Nouveau được sử dụng trong kiến trúc Hà Nội đầu thế kỷ XX

• Mái kính-kim loại: 

Đây là yếu tố Art Nouveau được sử dụng đầu tiên và cũng nhiều nhất trong các công trình kiến trúc những năm đầu thế kỷ XX ở Hà Nội. Ban đầu chúng có hình dạng tương đối đơn giản gần như chỉ là một bán cung như ở Tòa soạn báo l’Avenir du Tonkin, cùng với thời gian bộ phận này ngày càng trở nên phong phú về hình dạng cũng như các hoa văn trang trí. Loại mái này cũng được sử dụng ở khá nhiều công trình với quy mô và chức năng khác nhau, từ những công trình hành chính, văn hoá lớn tới các biệt thự (hình 5). 




Hình 5 : Mái che lối vào chính của Dinh Thống sứ Bắc kỳ

• Lỗ cửa:

Các cửa hình bán nguyệt trang trí bởi các họa tiết hình hoa lá có thể thấy ở một số công trình công cộng và biệt thự xây dựng trong khoảng 30 năm đầu thế kỷ XX ở khu vực xung quanh hồ Gươm với nhiều hình thức phong phú (hình 6).




Hình 6: Các lỗ cửa biệt thự 18 Tông Đản

• Cầu thang: 

Nhóm nghiên cứu sau khi khảo sát rất nhiều công trình kiến trúc Pháp thuộc ở Hà Nội mới chỉ phát hiện được duy nhất một công trình có cầu thang theo phong cách Art Nouveau là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ. Cầu thang gồm ba vế bằng gỗ, lan can làm bằng thép non uốn lượn khá cầu kỳ (hình 7). 




Hình 7: Cầu thang chính Dinh Thống sứ Bắc Kỳ

• Phù điêu: 

Đây là hình thức trang trí có thể thấy được ở nhiều công trình kiến trúc công cộng, ở cả ngoại thất lẫn nội thất. Các hình đắp nổi ngoại thất thường nằm ở mặt chính công trình, mang tính chất trang trí những vị trí trang trọng nhất nên khá nổi bật, ngoài ra chúng còn được sử dụng trong việc trang trí xung quanh lỗ cửa (hình 8). Các hình đắp nổi trong nội thất thường là các hình hoa lá trang trí mảng tường, trang trí các bộ phận bên trong công trình như, má tường, giá đèn (hình 9).


Hình 8: Phù điêu trên mặt chính Ngân hàng Pháp-Hoa


Hình 9: Các hình đắp nổi trong Dinh Thống sứ Bắc Kỳ

• Chi tiết trang trí bằng thép uốn: 

Thép uốn được sử dụng rất nhiều để trang trí các bề mặt kính, trang trí các bộ phận bên ngoài công trình. Các chi tiết trang trí bằng thép uốn rất đa dạng về mặt hình thức và xuất hiện ở nhiều thể loại công trình, mức độ cách điệu của các hoa văn cũng rất khác nhau (hình 10).




Hình 10: Thép uốn trang trí cửa đi Dinh Thống sứ Bắc Kỳ

• Hình trang trí mặt sàn: 

Mặt sàn trang trí theo phong cách Art Nouveau được thấy ở nhiều công trình kiến trúc phong cách Beaux Arts. Các mặt sàn kiểu này được thể hiện bằng nghệ thuật ghép gốm màu, mang hình hoa lá, các con vật, thậm chí là các hoa văn theo kiểu truyền thống Việt Nam, do vậy rất phong phú về mặt hình thức (hình 11).



Hình 11: Mặt sàn ghép gốm màu Tòa soạn báo l’Avenir du Tonkin

Hiện tượng cộng sinh trong kiến trúc Art Nouveau ở Hà Nội

Trong tiến trình thâm nhập vào các công trình kiến trúc ở Hà Nội đầu thế kỷ XX, các bộ phận và chi tiết trang trí Art Nouveau cũng dần dần Việt Nam hoá ở mức độ nhất định. Bên cạnh các hình hoa lá kiểu Châu Âu, ta cũng có thể thấy những chi tiết lấy cảm hứng từ những hoạ tiết, hoa văn thường thấy ở các công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam. Điều này cho thấy sau một thời gian sống và làm việc ở Việt Nam, các kiến trúc sư Pháp đã tìm hiểu khá kỹ kiến trúc truyền thống bản địa và trong quá trình thiết kế các bộ phận và chi tiết trang trí theo phong cách Art Nouveau, họ đã đưa vào khá nhiều yếu tố kiến trúc bản địa và chính sự kết hợp tinh tế giữa hai nền văn hóa Á – Âu như vậy đã tạo ra được những tác phẩm hoàn hảo, có giá trị nhân văn sâu sắc. 

Những hình ảnh dưới đây cho thấy sự tương hợp giữa một số chi tiết Art Nouveau ở Hà Nội với các hoạ tiết truyền thống Việt Nam ( hình 12 ÷15).




Hình 12 : Trang trí phía trên cửa của Dinh Thống sứ Bắc kỳ và trán cửa được điêu khắc theo phong cách Việt nam 



Hình 13: Họa tiết trang trí cửa lấy cảm hứng từ hình hoa lá cách điệu thuần Việt


Hình 14: Hoa văn lan can giống hình hoa cúc cách điệu ở chùa Phật Tích


Hình 15: Trang trí mặt sàn lấy cảm hứng từ hình rồng đời Nguyễn

Thống kê – Phân loại

Bảng 1: Thống kê và phân loại các công trình kiến trúc có yếu tố Art Nouveau ở Hà Nội: 

TT

Công trình

Chức năng gốc

Năm xây dựng

Kiến trúc sư thiết kế

Phong cách chủ đạo

Các yếu tố

Art Nouveau

1

Tòa soạn báo Hà Nội mới

Tòa soạn báo l’Avenir du Tonkin

1893

Không rõ

Beaux Arts

- Mái kính-kim loại

- Sắt uốn trang trí ban công

- Sàn ghép gốm màu

2

Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát thành phố (Théatre municipal)

1911

V.Halay

F.Lagisquet

Beaux Arts

- Mái kính-kim loại

 

3

Nhà khách chính phủ

Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Hôtel de la Résidence Supérieure du Tonkin)

1917

A.Bussy

Beaux Arts

- Mái kính-kim loại

- Cầu thang

- Sắt uốn trang trí cửa, giá đèn

- Các hình đắp nổi trong nội thất

- Sàn ghép gốm màu

4

Trụ sở

Bộ Công thương

Ngân hàng

Pháp-Hoa

(Banque Franco-Chinoise)

Không rõ

Không rõ

Art Deco

- Hình đắp nổi trên mặt chính

- Sắt uốn trang trí cửa

 

5

Nhà riêng đại sứ Hoa Kỳ

Biệt thự

Không rõ

Không rõ

Art Nouveau

- Hình khối, mặt đứng

- Hình dạng và trang trí cửa

- Mái kính-kim loại

6

Trụ sở công ty Alphanam

Biệt thự

Không rõ

Không rõ

Beaux Arts

- Mái kính-kim loại

Kết luận 

- Những bộ phận, hoạ tiết được sáng tác và thiết kế theo phong cách Art Nouveau luôn nổi bật với sự uyển chuyển, tinh tế nhưng cũng ngập tràn sức sống. Việc sử dụng các yếu tố Art Nouveau ở nhiều công trình kiến trúc ở Hà Nội đầu thế kỷ XX đã góp phần tạo ra những giá trị thẩm mỹ mang tính lịch sử của những công trình này. 
- Các yếu tố Art Nouveau ở các công trình kiến trúc ở Hà Nội đầu thế kỷ XX không chỉ mang các đặc trưng của nghệ thuật Art Nouveau ở Pháp và Châu Âu mà còn có sự kết hợp với các yếu tố kiến trúc bản địa, và chính sự cộng sinh giữa hai nền văn hóa như vậy đã tạo ra đặc trưng riêng biệt của Art Nouveau Hà Nội. 
- Việc nghiên cứu và nắm vững ngôn ngữ cơ bản của nghệ thuật Art Nouveau sẽ tạo điều kiện cho các kiến trúc sư tránh được việc đưa vào những chi tiết làm hỏng ngôn ngữ biểu cảm đặc trưng của phong cách nghệ thuật này trong quá trình duy tu, bảo dưỡng các công trình kiến trúc có các yếu tố Art Nouveau ở Hà Nội. 

ThS.KTS. Trần Quốc Bảo (*), KTS. Trần Giang Nam, KTS. Ngô Hoàng Ngọc Dũng

(*) Ths.KTS Trần Quốc Bảo là giảng viên chính khoa Kiến trúc và Quy hoạch - Đại học Xây dựng, Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội cận đại (GRAH). 

Tài liệu tham khảo: 

Tiếng Việt: 
1. Đào Ngọc Nghiêm (2010), "Bảo tồn – phát huy giá trị về quy hoạch – kiến trúc khu phố Pháp của Hà Nội". Tham luận tại hội nghị về bảo tồn di sản khu phố Pháp của Hà Nội.
2. Đặng Thái Hoàng (1995): "Kiến trúc Hà Nội thế kỷ XIX – XX" . NXB Hà Nội.
3. Trần Huy Liệu (1960): "Lịch sử thủ đô Hà Nội". NXB Hà Nội. 
4. Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh (2011): "Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc". Nhà xuất bản Xây dựng.

Tiếng Pháp: 
5. A. Le Brusq, L. Selva (2011): "Vietnam à traver l’architecture colonial" . Les Éditions de l’ Amateur, Paris. 
6. C. Pédelahore (2007): "L’angle de la ville Hanoi 1873 – 2006" . Thèse de doctorat, Paris.
7. P. Papin (2001): "Histoire d’Hanoi". Fayard, Paris. 

  • http://tuoitre.vn/                                                                                                                                    http://www.nhandan.com.vn/