Sáng ngày 24 tháng 6 năm 2016, Viện Quy hoạch – Kiến trúc Thanh Hóa đã báo cáo Thường trực UBND tỉnh đồ án Điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Anh Tuấn, Ngô Văn Tuấn và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
Quản lý chất thải rắn nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung là vấn đề được ưu tiên hàng đầu hiện nay. Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo quyết định 485/QĐ-UBND ngày 18/2/2009, đến nay sau bảy năm thực hiện có nhiều thay đổi so với quy hoạch đề ra. Cùng với đó là điều chỉnh quy hoạch các ngành, lĩnh vực liên quan như điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch công nghiệp – thương mại, quy hoạch y tế… dẫn đến những thay đổi trong dự báo về quản lý chất thải rắn.
Điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn thực hiện theo nội dung đề cương nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4514/QĐ-UBND ngày 17/12/2014. Trong quá trình nghiên cứu, Viện Quy hoạch – Kiến trúc Thanh Hóa đã thực hiện điều tra chi tiết các vấn đề về quản lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh, đưa ra dự báo, đề xuất định hướng điều chỉnh quy hoạch và các giải pháp tổ chức thực hiện. Đồ án cũng đã lấy ý kiến các Sở, Ngành, địa phương trong phạm vi toàn tỉnh.
Sau khi nghe Viện Quy hoạch – Kiến trúc Thanh Hóa báo cáo nội dung điều chỉnh, cùng với ý kiến đóng góp của các thành viên Thường trực UBND tỉnh, các đồng chí trong hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng đánh giá cao đơn vị tư vấn trong quá trình thực hiện đã bám sát nội dung trong nhiệm vụ được phê duyệt, các số liệu, tài liệu đưa ra trong đồ án sát với thực tế của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh:
- Về quan điểm: Điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn lần này cần phải bám sát quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh và quy hoạch Nông thôn mới. Việc quy hoạch cần phải xem xét tới yếu tố vùng miền để phân vùng quản lý hiệu quả. Đồng thời cần nghiên cứu các mô hình quản lý chất thải rắn đã thực hiện hiệu quả trong cả nước, lựa chọn công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện hiện nay.
- Về định hướng quy hoạch: thống nhất 2 mô hình xử lý, cụ thể:
+ Mô hình xử lý tập trung: Toàn tỉnh quy hoạch 5 khu xử lý tập trung cho các đô thị lớn và vùng phụ cận bao gồm: thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, KKT Nghi Sơn, đô thị Lam Sơn – Sao Vàng, đô thị Ngọc Lặc. Các khu xử lý tập trung cần xác định rõ lại phạm vi thu gom, xử lý; tính toán công suất nhà máy và khoảng cách vận chuyển thực tế sao cho khi thực hiện sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.
+ Mô hình phân tán: Áp dụng cho các khu vực còn lại, trong đó đối với các huyện đồng bằng xử lý theo mô hình cụm thị trấn và cụm xã với công nghệ xử lý triệt để, không còn chôn lấp. Riêng với các huyện miền núi thì xử lý cho thị trấn hoặc các đô thị và các xã lân cận, các xã còn lại xử lý tại chỗ tại thôn, bản hoặc hộ gia đình.
Đồng chí cũng nhấn mạnh việc lựa chọn công nghệ không nên quy định cứng nhắc việc xử lý chất thải rắn với một công nghệ cụ thể vì như vậy sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án; chỉ đưa ra lựa chọn công nghệ theo xu hướng mở với ưu tiên là các công nghệ xử lý triệt để chất thải rắn, không gây ô nhiễm môi trường.
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh lại tính cấp thiết của vấn đề xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay, vì vậy đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo đơn vị tư vấn trên cơ sở kết luận và ý kiến các đại biểu trong hội nghị sớm chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ và trình UBND tỉnh phê duyệt vào cuối tháng 7 năm 2016 làm cơ sở triển khai thực hiện.
Trần Thanh – P. NCQHKT