Thị xã Bỉm Sơn nghiên cứu bổ sung các quy hoạch phân khu nhằm phát triển đô thị, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III


Thị xã Bỉm Sơn đang đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép tổ chức lập các Đồ án Quy hoạch phân khu (QHPK) tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn tại các khu vực hiện nay chưa có QHPK và tại các khu vị trí đã có QHPK được duyệt từ năm 2005 nhưng đến nay không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Dự kiến trong tháng 7/2015, UBND Thị xã Bỉm Sơn sẽ tổ chức công bố Quyết định số 601/QĐ-BXD ngày 29/5/2015 của Bộ Xây dựng về việc Công nhận thị xã Bỉm Sơn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Quyết định này đã được ban hành sau khi Bộ Xây dựng thông qua Đề án đề nghị công nhận loại đô thị của Thị xã Bỉm Sơn.

Bỉm Sơn được xác định là đô thị hạt nhân, cửa ngõ của vùng động lực phía Bắc tỉnh Thanh Hoá; đồng thời có mối liên hệ chặt chẽ với vùng Nam Ninh Bình; là nơi giao thoa KT-XH giữa vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ nhờ các tuyến giao thông đường sắt và đường bộ quốc gia đi qua. Trên địa bàn thị xã tập trung nhiều nhà máy và cụm công nghiệp như NMXM Bỉm Sơn (nhà máy sản xuất xi măng lớn nhất nước từ những năm 1970), nhà máy ô tô VEAM đặt tại khu công nghiệp Bắc Bỉm Sơn…Bỉm Sơn nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử – văn hóa, với quần thể gồm 09 di tích lịch sử cấp Quốc gia, tiêu biểu nhất là đền Sòng Sơn thờ Mẫu Liễu Hạnh. Quá trình phát triển của Thị xã sau gần 35 năm đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Mức tăng trưởng kinh tế của thị xã giai đoạn 2011 – 2013 ổn định 15,55%; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 tương đương 2950 USD – gấp 1,5 lần so với mức bình quân cả nước. Kết cấu hạ tầng của thị xã dần được đồng bộ và hoàn chỉnh, diện mạo thị xã ngày càng khang trang, có nhiều đổi thay thực sự theo hướng một đô thị văn minh và hiện đại.

Đánh giá thẩm định của Bộ Xây dựng nhất trí đánh giá cao những kết quả Bỉm Sơn đã đạt được trong lộ trình phấn đấu trở thành đô thị loại III với điểm số trung bình đạt 79,07 điểm, trong đó có 24/49 chỉ tiêu đạt tối đa. Tuy nhiên, Đề án cũng chỉ ra những mặt còn yếu của Thị xã với 18/49 chỉ tiêu vừa đạt, và 06 chỉ tiêu chưa đạt. Nổi bật là công tác đầu tư cho PTĐT chưa nhiều, đầu tư về môi trường, các công trình hạ tầng kỹ thuật còn đạt ở mức thấp. Các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện của Thị xã gồm: môi trường và hệ thống công trình đầu mối, dân số toàn đô thị, mật độ dân số, trung tâm văn hóa, khu đô thị mới, số lượng không gian công cộng cấp đô thị và số nhà tang lễ khu vực nội thị.

 Để xây dựng Chương trình PTĐT nhằm hoàn thiện các chỉ tiêu nêu trên, trong đó xác định được các Khu vực PTĐT, dự án PTĐT và nguồn vốn đầu tư, UBND Thị xã Bỉm Sơn đang phối hợp với Viện Quy hoạch – Kiến trúc Thanh Hóa tiến hành rà soát và củng cố lại hệ thống quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa Điều chỉnh QHC Thị xã đã được phê duyệt. Hiện nay, ngoài 06 khu vực đã được nghiên cứu QHPK tỷ lệ 1/2000, tại các khu vực còn lại của Thị xã Bỉm Sơn chưa có quy hoạch phân khu hoặc đã có quy hoạch được duyệt nhưng đã lâu, không còn phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong đó, có một số khu vực đang có nhu cầu đầu tư hết sức cấp bách như khu vực phía Đông (thuộc phường Đông Sơn) và khu vực phía Nam sông Tam Điệp (thuộc xã Quang Trung và phường Phú Sơn) cần có quy hoạch phân khu để làm cơ sở lập các quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng. Bởi vậy UBND Thị xã đang khẩn trương lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép trước mắt lập 02 QHPK gồm:

– Phân khu phía Đông thị xã (khu vực giáp xã Hà Vinh, huyện Hà Trung), quy mô nghiên cứu khoảng 600ha, thuộc phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn với các chức năng chủ yếu là khu công nghiệp, khu dân cư đô thị và các công trình đầu mối của thị xã (Nghĩa trang nhân dân, bãi rác, nhà máy xử lý rác thải).

– Phân khu phía Nam sông Tam Điệp, quy mô nghiên cứu khoảng 795ha  thuộc phường Phú Sơn, xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn với chức năng chủ yếu là khu đô thị mới của thị xã định hướng phát triển không gian sinh thái, trung tâm dịch vụ thương mại cấp đô thị và cấp vùng gắn với khai thác lợi thế trục đường tỉnh 522. 

Các quy hoạch phân khu nêu trên khi được phê duyệt sẽ có ý nghĩa rất lớn, làm cơ sở để thị xã thu hút, kêu gọi đầu tư và bố trí nguồn vốn xây dựng các khu đô thị mới, các đầu mối hạ tầng kỹ thuật; đồng thời với việc thực hiện đầu tư phát triển đô thị các khu vực khác, hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại III, sớm đủ điều kiện nâng cấp Thị xã Bỉm Sơn lên thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2020./.

(Xuân Na – P.NCQH-KT)

 

TIN TỨC KHÁC