Cần những giải pháp đồng bộ

  • 3/30/2017 11:15:09 AM
  • Cập nhật bởi : Lưu Tùng Dương
  • In

(THO) - Diện mạo TP Thanh Hóa đang đổi thay từng ngày với nhiều tuyến phố cũ được chỉnh trang, nhiều khu đô thị, hệ thống giao thông mới khang trang, hiện đại được mở ra. Nhưng song hành với sự phát triển đó, tình trạng hàng rong, quán xá nhếch nhác ở vỉa hè, đậu đỗ xe lộn xộn trên hè phố, lòng đường, ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng đang đặt ra những thách thức cho một đô thị văn minh... Giải quyết được câu chuyện này, vấn đề không chỉ nằm ở ý thức chấp hành pháp luật của người dân, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác...

Kiên quyết xử lý vi phạm

Người dân vẫn có nếp nghĩ coi đất, hè trước cửa nhà mình là mình có quyền được sử dụng.  Không chỉ diễn ra trong các tuyến phố cũ, ngay cả khi thành phố ngày càng được mở rộng, phố xá mọc tới đâu, dịch vụ thương mại phát triển theo tới đó. Không chỉ những gia đình do mặt tiền chật hẹp mà phải bung ra hè phố mà ngay ở những mặt tiền rộng rãi thì một bộ phận tiểu thương  vẫn cố tình lấn ra hè phố để kinh doanh. Vỉa hè trở thành nơi bán hàng, lòng đường trở thành bãi đậu, đỗ xe của khách.  Hàng rong thấy thuận  đâu là chiếm dụng đấy. Vỉa hè mang lại sinh kế cho người nghèo. Đối với nhiều gia đình có mặt tiền rộng rãi, việc chiếm dụng vỉa hè để phục vụ bán cà phê, bia hơi, hàng  ăn thậm chí mang lại nguồn thu không nhỏ cho họ. Vì vậy nên, mặc dù đã có các quy định về xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự  an toàn giao thông; đã có nhiều đợt cao điểm ra quân chấn chỉnh quyết liệt, song mức xử phạt hiện nay so với lợi nhuận thu được từ kinh doanh vỉa hè là quá thấp nên các vi phạm vẫn tái diễn.  Việc xử phạt chưa thực sự có hiệu lực răn đe.  Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thuộc lĩnh vực quản lý đô thị, tại nhiều nước trên thế giới công tác kiểm tra, xử lý được thực hiện thường xuyên và phạt rất nặng đối với sai phạm. Qua đó, cho người dân thấy được tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật để chấp hành, không dám sai phạm.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, đội trưởng đội kiểm tra quy tắc đô thị  thành phố, thì nguyên nhân khiến tình trạng bán hàng rong,  kinh doanh vỉa hè tồn tại dai dẳng  trên địa bàn thành phố còn do hàng ngày có hàng nghìn người từ các vùng lân cận, các huyện đổ về bán hàng rong thường xuyên vi phạm quy định. Bên cạnh đó, người mua hàng thường ngại gửi xe, có thói quen dừng đỗ tùy tiện, sà vào hàng quán ven đường để mua bán nên nghiễm nhiên hàng rong, hàng quán vỉa hè vẫn còn lý do tồn tại. Ngoài một bộ phận người dân thành phố ý thức chấp hành các quy định còn kém, còn một bộ phận vì nhu cầu cuộc sống nên họ cố tình vi phạm. Trong khi đó, công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự đô thị đã được quan tâm nhưng kết quả chưa cao. Lực lượng chức năng từ thành phố đến các phường, xã đã ra quân, kiểm tra thường xuyên, nhưng có lúc, có nơi chưa cương quyết xử lý sai phạm triệt để, còn tình trạng nể nang. Các phường, xã còn thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý khiến cho kết quả xử lý không duy trì được lâu bền. Tình trạng nơi làm, nơi không, thiếu đồng bộ cũng khiến cho việc xử lý đối tượng vi phạm như bắt cóc bỏ đĩa. Dẹp bên này lại chạy sang địa bàn bên kia.

Tăng cường công tác  quản lý

Ông Đinh Viết Ba, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cũng là một người dân thành phố cho rằng để xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, an toàn thì cần phải bắt đầu từ việc làm cho sạch đẹp các vỉa hè, tuyến phố. Thừa nhận việc này thành phố đã và đang quyết tâm làm, đã có các giải pháp để làm, song ông cho rằng thành công và hiệu quả cuối cùng chưa đạt như mong muốn. Để việc xử lý có hiệu quả, theo ông về phía người dân phải tuyên truyền, làm cho dân rõ vỉa hè là đất công. Việc kinh doanh trên đất công trái quy định là vi phạm. Người dân muốn kinh doanh là phải làm trong nhà mình hoặc tìm vị trí khác mà quy định cho phép. Về phía những người thi hành công vụ, là chính quyền quản lý, đội quy tắc đô thị, lực lượng công an trật tự, các thôn, phố thì cần phải kiên quyết hơn nữa, phải giao trách nhiệm thật cụ thể, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Từ đó, tạo nên sự đồng thuận cao từ chính quyền cho tới người dân thì sẽ làm được. Bên cạnh việc xử lý nghiêm, cần phải thực thi những giải pháp mạnh khác. Như  TP Hồ Chí Minh, Hà Nội gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Nếu không làm tốt thì chủ tịch chịu trách nhiệm trước chính quyền và cấp ủy, bí thư chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Không làm được thì dứt khoát anh phải kiểm điểm, anh phải nhận một hình thức kỷ luận trong công tác vì đây là trách nhiệm của anh. Nếu không cương quyết, không kiên trì thì cứ sau ra quân lại giống như những năm trước, mà nhờn luật thì lại càng nguy hiểm hơn.

Lý giải nguyên nhân tại sao trên địa bàn còn có tình trạng vi phạm kinh doanh vỉa hè, một số lãnh đạo các phường cho biết,  hiện nay tại nhiều khu dân cư chưa được đầu tư đồng bộ vỉa hè, hệ thống rãnh thoát nước, chiếu sáng, chủ yếu tập trung vào những khu cũ. Trong đó có những tuyến phố thương mại lâu năm, nơi tập trung đông phương tiện, người tới mua bán, gây tình hình lộn xộn. Để giải quyết vấn đề này, các phường, xã đang tiếp tục vận động bà con thực hiện chủ trương xã hội hóa để chỉnh trang lại mặt tiền, lát lại vỉa hè cho khang trang, sạch đẹp, thuận lợi hơn trong việc kinh doanh. Lãnh đạo các phường cũng đề nghị thành phố cần tổ chức kẻ vẽ vạch sơn đồng bộ trên các tuyến phố,  tuyến phố nào có thể cho phép sử dụng một phần vỉa hè cho kinh doanh có thu phí  thì tạo điều kiện cho bà con, mà vẫn bảo đảm lối đi cho người đi bộ.

Sự tăng trưởng các phương tiện cá nhân, nhất là ô tô trong vài năm gần đây trong khi thành phố thiếu các bãi để xe, chưa mở rộng kịp các tuyến giao thông cũ khiến tình trạng đậu đỗ xe trên lề đường lộn xộn, ùn tắc tại các nút giao thông quan trọng ngày càng gia tăng. Theo ông Lê Mạnh Hùng, đội trưởng đội kiểm tra quy tắc đô thị  thành phố, để tháo gỡ vấn đề này, một trong những việc làm là các cấp, ngành chức năng phải quy hoạch điểm đậu, đỗ xe, bến xe tĩnh. Tổ chức phân luồng, tuyến chống ùn tắc. Đầu tư hệ thống biển báo giao thông trên địa bàn.

Dưới góc nhìn của  thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Huy Văn, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc Thanh Hóa: Khi lập một quy hoạch, chẳng hạn như thiết kế đô thị, bao giờ  cũng rất phải cụ thể như lòng lề đường phục vụ cho giao thông, trên vỉa hè có các hoạt động của xã hội đô thị. Trong khu đô thị bắt buộc phải có khu vui chơi, bán hàng, chỗ  để xe. Trên vỉa hè có tất cả những cái gọi là kiến trúc nhỏ trên hè phố như biển hiệu, biển chỉ dẫn, bốt điện thoại, các ki ốt... Trong các hồ sơ thiết kế quy hoạch của các thành phố, khu đô thị đều có phần thiết kế đô thị chi tiết. Vấn đề ở đây là quản lý thực hiện theo cái đấy như thế nào thôi. Nếu thực hiện theo tất cả mọi cái đã được phê duyệt thì sẽ tốt. Song khi điều chỉnh cục bộ các khu chức năng, nếu không có giám sát, có thể việc điều chỉnh cục bộ đã phá vỡ quy hoạch tổng thể, chẳng  hạn như người ta thay các khu chức năng như khuôn viên cây xanh, trường học, siêu thị, khu công cộng, giao thông bằng khu dân cư..., dần dà dẫn đến mất hết những tiện ích công cộng tối thiểu tại các khu đô thị. Không còn nữa thì nó sẽ gây ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại như trên, kiến trúc sư Nguyễn Huy Văn cho rằng cùng với quy hoạch, xây dựng các khu đô thị mới cần phải bảo đảm đầy đủ các khu chức năng thiết yếu, phục vụ tiện ích cho dân cư, nhất là chợ, trường học, giao thông nhằm giảm tải cho các khu đô thị cũ, phải mở các tuyến đường mới  để góp phần giảm ùn tắc, nút thắt cho khu vực trung tâm. Nên xem xét bố trí những khu vực bán hàng riêng cho những người buôn bán nhỏ, thu nhập thấp như cách mà Hội An hay các nước khác đã làm như khu vực bán hàng ban đêm hoặc khu vực riêng, nhằm tạo sinh kế cho họ. Đồng thời, cần phải có  quy định và cho phép các kiến trúc sư quy hoạch có ý kiến tham mưu, có sự giám sát việc thực hiện quy hoạch có đúng như quy hoạch được phê duyệt hay không, hay khi điều chỉnh quy hoạch có làm phá vỡ quy hoạch tổng thể hay không. Làm được điều này thì sẽ hạn chế được những cái tồn tại như trên, những vấn đề đô thị hiện nay đang lúng túng.

Rõ ràng, việc tháo gỡ những lúng túng hiện nay trong việc lập lại trật tự hè phố, đường phố, trật tự đô thị cần phải được lắng nghe, xem xét từ các góc nhìn, sự hiến kế của người dân, chuyên gia quy hoạch, nhà quản lý... Trên hết, phải tạo được sự đồng thuận và những giải pháp mang tính đồng bộ.

  • http://tuoitre.vn/                                                                                                                                    http://www.nhandan.com.vn/